Thuật ngữ mê hoặc khách hàng chỉ việc khách hàng được dẫn dụ bởi một hoặc một nhóm sản phẩm nào đó và qua thời gian khách hàng trở nên gắn bó, trung thành với thương hiệu. Trong bài viết này, CRMViet sẽ phân tích 3 yếu tố mang đến sự mê hoặc khách hàng – bí kíp mọi doanh nghiệp luôn khao khát.
Mục lục
Thêm một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh, hôm nay là thời buổi của siêu cạnh tranh. Bạn có hình dung được “tỉ lệ chọi” hiện tại: bao nhiêu người đang bán thứ bạn đang bán? Marketing là lời rao: “Tôi có cái đó, tôi đang bán cái đó”, bạn cần rao đúng nơi, đúng người, rao thật mạnh, rao thật to. Khách hàng có hàng trăm lựa chọn cho một thứ gì đó, nhưng túi tiền của họ có giới hạn. Khi mọi nơi đều làm marketing nhạt nhòa như nhau, họ thường chọn nơi thuận tiện nhất, dùng thử sản phẩm, thấy tạm ưng ý là không tìm hiểu nơi khác nữa. Và nếu điểm đến đầu tiên của họ không phải là bạn, xin chia buồn khi bạn đã mất khách hàng. Họ không biết sản phẩm như thế nào là tốt, nên thường nghe người bán hàng rao. Nơi nào quảng cáo “Chúng tôi là tốt nhất” thì khách hàng thường đồng thuận. Nhưng hãy cụ thể: tốt nhất về cái gì? Ở đâu cũng “ca” cùng một bài chúng tôi là số 1, nhưng nếu bạn không chỉ ra được bạn đi đầu trên khía cạnh nào thì khách hàng không thể tin bạn, họ biết bạn “chém gió”
Vậy, để mê hoặc khách hàng bằng marketing, câu hỏi là: giữa muôn vàn lựa chọn, làm thế nào để khách hàng CHỈ biết đến chúng tôi? Làm thế nào để khách hàng chọn chúng tôi là nơi đầu tiên để trải nghiệm?
Người làm marketing luôn truyền nhau câu “Marketing cho một sản phẩm tồi là cách nhanh nhất để giết chết sản phẩm” – Philip Kotler. Thông thường khách hàng sẽ có ẤN TƯỢNG VỀ chất lượng nếu sản phẩm của bạn có ít nhất 1 trong 3 khía cạnh: Vị thế dẫn đầu, Chuyên môn hóa, Giá đắt.
Nhưng đó chỉ là ấn tượng. Và khách hàng tin nên tìm đến. Thế mà cuối cùng, nếu sản phẩm của bạn không tốt như lời rao thì họ sẽ quy chụp bạn đã lừa họ. Nếu bạn có sản phẩm tồi mà vẫn cố bán, hãy cầu nguyện đừng ai biết thế nào là một sản phẩm tốt. Bởi vì người đó dù không phải khách hàng của bạn, nhưng nếu họ biết bạn đang bán thứ chẳng ra sao, nhẹ thì họ không bao giờ giới thiệu bạn, nặng thì họ nói không tốt về bạn. Nguy hiểm nhất là khách hàng không hài lòng, họ sẽ công kích bạn.
Nhận ra sản phẩm mình đang bán rất tồi, ấy là sự khó khăn. Bởi nhiều người nâng niu ý tưởng, “cưng” sản phẩm như nâng trứng hứng hoa, thừa nhận tôi đang bán thứ không ra gì có khác chi một cú giáng mạnh vào trí tuệ và tài năng của họ. Nhiều người bán hàng theo kiểu “Với anh là tồi nhưng với người khác là tốt”, thật vô lý! Tôi đồng ý rằng cơm thiu vẫn quyến rũ kẻ ăn mày, khách hàng không biết thế nào là tốt nên họ khen thứ của anh, nhưng sau họ ngộ ra thì anh là thằng đầu tiên họ quay lại chửi. Nên nếu có thể, đừng bán cơm thiu! Còn khách hàng thân mến, đừng là gã ăn mày!
Để mê hoặc khách hàng bằng sản phẩm, câu hỏi là: Làm thế nào để sản phẩm của tôi cung cấp nhiều giá trị nhất cho khách hàng?
Nếu những khách hàng của bạn vẫn đang tiếp tục mua hàng từ bạn, bạn sẽ có bao nhiêu khách hàng? Rất nhiều, bạn thân mến của tôi, vô số khách hàng. Bạn cứ mải mê tìm kiếm khách hàng mới, đánh chiếm thị trường mới mà không chịu để ý khách hàng cũ.
Ngay cả bạn đang bán hàng thời vụ, hoặc bán thứ gì đó chỉ một lần, hãy nhớ khách hàng vẫn có xu hướng mua hàng từ bạn nếu giao dịch đầu tiên thành công vì 3 lý do: tin tưởng bạn, thói quen cũ, sự nhất quán. Hãy tiếp tục bán sản phẩm cũ cho khách hàng cũ, hoặc bán sản phẩm liên quan cho khách hàng cũ.
Bây giờ bạn đã hiểu tại sao trong kinh doanh, bán hàng, “kẻ ăn không hết người lần chẳng ra” rồi đấy. Đáp án là: Sự mê hoặc